ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ NÔNG
Chẩn Đoán Nhu Cầu Dinh Dưỡng Trung Và Vi Lượng Của Cây Trồng
Nếu ví cây trồng là một đứa trẻ, các nguyên tố đa lượng là protein, tinh bột và chất xơ thì các nguyên tố trung, vi lượng sẽ là vitamin. Bởi lẽ, dù nhu cầu về lượng của các dinh dưỡng này là rất nhỏ nhưng vẫn không thể thiếu đối với sự phát triển của cây trồng.
Trong các bài viết trước, Phân bón Việt Nga đã hướng dẫn Bà con chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng đa lượng của các loại cây trồng. Hôm nay, mời bà con cùng tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng trung và vi lượng của cây trồng thông qua những biểu hiện có thể nhận thấy bằng mắt thường.
1. Triệu chứng thiếu chất dinh dưỡng trung và vi lượng trên cây trồng
– Thiếu Canxi: Đọt cây bị héo khô, chồi non kém phát triển, lá non uốn cong như hình vỏ sò, một phần lá héo khô. Nụ và hoa sớm bị rụng, quả biến dạng, thân và cành yếu. Rễ ít phát triển, cây sinh trưởng kém.
– Thiếu Lưu huỳnh: Khá tương tự với thiếu Đạm, lá non chuyển màu xanh nhạt, khi trở nặng sẽ chuyển sang màu vàng cam. Cây cằn cỗi nhưng bộ hệ rễ vẫn phát triển bình thường. Khi thiếu nặng toàn bộ lá cây đều bị vàng, cây chết.
– Thiếu Magiê: Biểu hiện đặc trưng là trên phiến lá giữa các gân có mảng màu vàng úa kéo dài tới mép và đỉnh lá, để lại phần xanh có hình tam giác mà định hướng về phía chóp lá. Lá cong và mỏng hơn bình thường, sớm rụng, cây sinh trưởng kém.
– Thiếu Mangan: Lá non bị mất màu của các gân và xuất hiện các điểm chết nhỏ. Sau đó những vết vàng này trở nên khô, đôi khi bị thủng rách. Cây sinh trưởng kém, cằn cỗi.
– Thiếu Kẽm: Các lá đọt rất nhỏ, phiến lá vàng, trên đó nổi rõ lên các gân còn xanh. Sự sinh trưởng của đốt bị giảm
– Thiếu Đồng: Biểu hiện điển hình là lá chuyển màu vàng úa và hơi cong lên. Điểm hoại thư xuất hiện trước hết ở đỉnh lá non sau lan xuống dưới dọc theo mép lá.
– Thiếu Sắt: Trên lá non có một mạng lưới các gần xanh nổi trên phiến lá màu vàng nhạt, mép lá hơi bị cong lên. Biểu hiện này. tồn tại đến khi lá lớn, lá sớm rụng, hoa ít, quả nhỏ.
– Thiếu Bo: Xuất hiện các điểm chết đen ở lá non và chồi đỉnh, đôi khi một phần lá trưởng thành bị héo đột ngột và khô. Lá hơi bị cuốn lại và trở nên giòn. Thiếu nặng làm cây đâm chồi phụ nhiều, bộ rễ kém phát triển, ngắn lại. Ở các cây lấy củ thiếu Bo thì củ dị dạng hoặc bị thối do các mô bên trong bị hỏng.
– Thiếu Clo: Cây úa vàng và héo khô tương tự bị nhiễm mặn.
2. Triệu chứng thừa chất dinh dưỡng trung và vi lượng trên cây trồng
– Thừa Canxi: Dễ gây triệu chứng thiếu kali, mangan, kẽm và sắt do đất quá kiềm.
– Thừa Lưu huỳnh: Cây sinh trưởng kém, lá nhỏ có thể biến thành vàng và cháy.
– Thừa Magie: Lá già có những đốm bị hoại tử, những gân nhỏ của lá già này có thể chuyển sang màu nâu.
– Thừa Nhôm: Xuất hiện sọc vằn vàng trắng ở những lá già, lá khô héo, rễ kém phát triển và quăn. Thường xảy ra trên đất phèn.
– Thừa Đồng: Cây cằn cỗi, lá xanh đậm, hơi dày và cong, đẻ nhánh kém, rễ ít phát triển. Thường xảy ra do sử dụng nhiều thuốc trừ nấm gốc đồng.
– Thừa Sắt: Cũng thường thấy trên đất chua phèn, thừa sắt làm lá già chuyển màu đồng, cây khó hấp thu dẫn đến thiếu lân, kali và kẽm.
– Thừa Clo: Chóp và mép lá bị cháy, lá nhỏ, một số trường hợp lá mất màu.
3. Giải pháp của Phân bón Việt Nga
Hiện nay tại Việt Nga, ngoài các dòng phân bón Nhập khẩu như NPK 16-16-16+TE, NPK 20-5-25+TE, NPK 28-6-6+TE,… có bổ sung các dinh dưỡng trung và vi lượng như Canxi, Sắt, Bo, Kẽm thì một số dòng phân bón do Việt Nga sản xuất cũng có bổ sung những nguyên tố trung và vi lượng cần thiết cho cây trồng:
- Phân NPK 16-16-16+TE Việt Nga: bổ sung Sắt, Bo, Kẽm.
- Phân Canxi Nitrate Việt Nga: bổ sung Canxi và Bo.
- Phân NPK 16-16-8-13S Việt Nga: bổ sung Lưu huỳnh.
- Phân trung lượng Việt Nga: bổ sung Canxi, Magie.
Tùy theo tình hình ruộng đất, cây trồng và mùa vụ, Bà con có thể cân nhắc để lựa chọn loại phân bón phù hợp. Chúc Bà con canh tác hiệu quả, trúng mùa được giá.